Hoạt động cho vay tư nhân không phải lựa chọn đầu tiên khi ai đó có nhu cầu vay vốn làm ăn hay tiêu dùng nhưng nó luôn hiện diện và song hành với đời sống xã hội bất chấp những rủi ro có thể xảy ra.
Nguồn sống…
Vay tư nhân hay vay tiền trả góp tháng tư nhân là việc một cá nhân, đơn vị không phải là tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép, không có chức năng cho vay tín dụng đứng ra cho người dân vay tiền để làm ăn, sinh hoạt. Về bản chất, đây là các giao dịch ngang hàng giữa cá nhân với cá nhân. Cần hiểu rằng các tổ chức tín dụng có chức năng cho vay và được nhà nước quản lý, cấp phép là ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, các cửa hàng, chuỗi cửa hàng cầm đồ như F88… còn vay tư nhân là vay từ các chủ dây hụi hay chủ dây bốc bác họ, thậm chí là từ những người không quen biết…
Cho vay tư nhân là vay tín chấp, tức là dựa trên uy tín người đi vay mà giải ngân và người đi vay có trách nhiệm trả tiền gốc, lãi mỗi tháng, tương tự cách trả góp ở ngân hàng. Lý do khiến vay tư nhân tồn tại là bởi vay tư nhân dễ dàng hơn rất nhiều so với việc vay từ các tổ chức tín dụng. Vay ngân hàng thì phải có tài sản đảm bảo, chứng minh thu nhập, không vướng nợ xấu… vay cầm đồ thì phải có tài sản chính chủ… Dù có đã đáp ứng được các điều kiện đó thì người vay vẫn phải đợi từ 3 đến 7 ngày để các ngân hàng, công ty tài chính phê duyệt hồ sơ hoặc ít nhất thì cũng mất 15-30 phút để các cửa hàng, chuỗi cửa hàng cầm đồ thẩm định tài sản. Nếu vay tư nhân, việc vay tiền chỉ trong “một nốt nhạc”, không cần làm hồ sơ hay thẩm định hồ sơ, không mất thời gian phê duyệt. Sự dễ dàng và nhanh chóng này là nguyên nhân, là nguồn sống giúp hoạt động cho vay tư nhân tồn tại đến nay.
Chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng địa chỉ cho vay tư nhân, vay ngang hàng nhưng chỉ tính các công ty đăng ký hoạt động kết nối cho vay ngang hàng thì đã lên đến hơn 200 (tháng 4/2022). Dẫu vậy, vay tư nhân đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực vì những rủi ro hiện hữu…
Những rủi ro hiện hữu
Phần nào đó thì cho vay tư nhân, ngang hàng đang bị nhìn nhận là tín dụng đen.
Đầu tiên là việc ngày càng có nhiều địa chỉ cho vay với lãi suất cắt cổ, vượt xa mức lãi suất trần mà pháp luật quy định. Hiện tại, lãi suất vay ngân hàng vào khoảng trên dưới 20%/năm tuỳ khoản vay; lãi suất công ty tài chính thì từ khoảng 30% - 55%/năm; lãi suất cầm đồ tương tự các công ty tài chính, từ khoảng 35% và tất cả các tổ chức tín dụng này đều tính lãi trên dư nợ giảm dần. Tuy nhiên, lãi suất của nhiều địa chỉ cho vay tư nhân thấp nhất hiện là 3.000đ/triệu/ngày, tương đương 109%/năm, tính trên dư nợ gốc. Thời gian qua, công an đã điều tra, phá nhiều vụ án cho vay với lãi suất lên đến vài trăm, thậm chí cá nghìn %/năm.
Tiếp đến là việc thu hồi nợ trái pháp luật, theo kiểu giang hồ, ảnh hưởng không chỉ đời sống vật chất, tinh thần của người đi vay mà còn của bạn bè, người thân của người đi vay, gây bức xúc cho xã hội. Nhiều nạn nhân của tín dụng đen cho biết cuộc sống khi bị đòi nợ như thế là sống không bằng chết.
Gần đây, hoạt động cho vay tư nhân lại càng lúc càng phổ biến trên không gian mạng và có sự tham gia của nhiều đối tượng là người nước ngoài. Tuy số lượng công ty đăng ký hoạt động kết nối cho vay ngang hàng chỉ hơn 200 đơn vị nhưng trên nền tảng internet, hiện có hàng nghìn ứng dụng cho vay tư nhân. Đa phần đăng ký là ứng dụng kết nối cho vay, tức là chỉ có chức năng giới thiệu người muốn vay với người cho vay, nhưng trên thực tế, họ lại hoạt động như một tổ chức tín dụng với đầy đủ chức năng như phê duyệt khoản vay, giải ngân, thu hồi nợ và thu lãi suất cao gấp nhiều lần quy định. Nguy hiểm hơn, rất nhiều ứng dụng bị những đối tượng người nước ngoài đứng sau giật dây, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bình đẳng, hợp pháp của hoạt động cho vay ngang hàng.
Chính bởi những rủi ro đó, hoạt động cho vay tư nhân ở Việt Nam dù vẫn âm ỉ tồn tại nhưng không phải là lựa chọn ưu tiên. Chỉ khi không thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng hợp pháp thì người ta mới tìm đến hình thức vay tư nhân. Dẫu vậy, với chính sách nới lỏng tín dụng của nhà nước, việc người dân không thể tiếp cận các khoản vay chính thức đang giảm dần và hoạt động cho vay tư nhân, nếu muốn tồn tại, thì phải đổi mới theo hướng công khai, minh bạch hơn.