Kinh doanh

Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán xe ô tô có giảm?

Theo các chuyên gia, việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước không ảnh hưởng nhiều tới giá bán của xe trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, lắp ráp sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, lắp ráp

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo đó, Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế TTĐB của các tháng này chậm nhất là vào ngày 20/11/2022.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ theo Điều 8 Luật số 03/2022/QH15 về việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế TTĐB về các mức 3%, 2%, 1% đối với xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp trong nước từ 9 chỗ trở xuống, từ 10 đến dưới 16 chỗ, loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng, từ 16 chỗ đến dưới 25 chỗ và dự kiến sản lượng xe điện tiêu thụ sẽ tăng, thay thế cho sản lượng xe chạy xăng tương ứng. Đồng thời, trên cơ sở tình hình sản xuất kinh doanh và nộp thuế TTĐB cả năm của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước các năm gần đây (năm 2019 đến năm 2021 bình quân từ 2.450 tỷ đồng đến 2.800 tỷ đồng/tháng), bình quân số thuế nộp ngân sách nhà nước dao động trong khoảng 2.450 tỷ đồng đến 2.800 tỷ đồng/tháng.

Bộ Tài chính khẳng định, việc gia hạn chỉ được thực hiện trong năm 2022 để không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay.

Có thể thấy, kể từ năm 2020 thì đây là lần thứ 3 thuế TTĐB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn. Với việc gia hạn thuế TTĐB lần này, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước sẽ có thời gian cân đối tài chính, đảm bảo năng lực để khôi phục lại sản xuất, lắp ráp sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, việc gia hạn thuế TTĐB đang có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động khiến doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và thị trường ô tô bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, các doanh nghiệp xe trong nước gặp khó do thiếu linh kiện nhập khẩu, thiếu chip… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất lắp ráp, nhiều mẫu xe bán chạy trên thị trường rơi vào tình trạng “cháy hàng”, thậm chí khách hàng còn phải chi thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mới được lấy xe.

crawl-2022061210592398.jpg?width=665

 Ảnh: TTXVN.

Gia hạn thuế TTĐB không ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán xe

Theo nhận định của chuyên gia ô tô Nguyễn Vĩnh Nam, việc gia hạn thuế TTĐB lần này không ảnh hưởng đến giá bán của xe, mà chỉ giải quyết vấn đề trước mắt cho các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước đó là vấn đề tài chính.

“Việc tiếp tục gia hạn nộp thuế TTĐB sẽ giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước có thể giải được bài toán về nguồn tài chính trước mắt và tận dụng nguồn tài chính này để đầu tư lại các nhà xưởng, các dây chuyền để có kế hoạch lắp ráp xe trong thời gian tới”, ông Nam nói.

Theo nhìn nhận của ông Nam, với tình hình khó khăn chung hiện nay sau hơn 2 năm ảnh hưởng từ đại dịch, cộng thêm tình trạng thiếu nguồn cung chất bán dẫn, việc gia hạn thuế TTĐB này có tác động một phần đến kế hoạch tài chính của một số đơn vị chuyên nhập khẩu xe về nước (thuần nhập khẩu) chứ không phải hoàn toàn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá bán xe nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng với tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì việc sắp tới các doanh nghiệp nhập khẩu xe cũng sẽ có một vài điều chỉnh về giá bán để phù hợp chung với tình hình thị trường.

Chuyên gia ô tô này nhận định thị trường ô tô trong nước sẽ tiếp tục thiếu xe để bán cho tới năm 2023. Hiện nay các ngân hàng đang hạn chế cho vay - đây được xem là rào cản lớn ảnh hưởng tới việc tiêu thụ ô tô từ nay đến cuối năm 2022.

“Nếu các ngân hàng, tổ chức tín dụng có chính sách thoáng hơn cho người mua ô tô thì chắc chắn doanh số sẽ cao, còn không sẽ bị chững lại vì khách hàng mua xe qua ngân hàng sẽ rất khó để mua xe mặc dù có xe để mua”, ông Nam lý giải.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, việc gia hạn thuế TTĐB doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, điều này sẽ giúp cho việc hạ giá thành sản xuất, thúc đẩy thị trường mua bán sôi động, tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, quy định này chỉ kéo dài đến cuối năm nên đây chỉ là “liều thuốc” tạm thời và chỉ có ý nghĩa trong một thời gian nhất định, vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp về lâu dài, cần kéo dài thời gian gia hạn.

Còn theo ông Phạm Thành Lê, quản trị viên diễn đàn Otofun cho rằng, việc gia hạn thuế TTĐB không ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của xe, bởi việc gia hạn này chỉ là tạm thời chưa bắt các doanh nghiệp phải đóng số tiền thuế mà chỉ giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất ô tô có thêm nguồn lực về tài chính để tu bổ, nâng cấp dây chuyển sản xuất.

Quản trị viên của diễn đàn Otofun cho rằng, việc gia hạn thuế TTĐB này không làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Theo lý giải của ông Lê: “Việc gia hạn tiền nộp thuế cũng giống như chi tiêu trong gia đình. Ví dụ cuối tháng 6/2022 gia đình phải đóng 1 khoản thuế, phí cho cơ quan thuế nhưng được gia hạn thêm 1 tháng (tháng 7/2022 mới phải đóng số tiền này), thì số tiền đóng thuế này chúng ta có thể dùng để sử dụng cho mục đích khác, nhưng vẫn phải đóng cho cơ quan thuế trong tháng tiếp theo”.

Cùng chung nhận định, ông Vĩnh Nam cho biết, việc gia hạn thuế TTĐB sẽ không ảnh hưởng đến thuế của Nhà nước bởi đây chỉ là nộp chậm chứ không phải là giảm.

Theo một số chuyên gia trong ngành nhận định, việc Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi sau đại dịch các doanh nghiệp xe trong nước vẫn khó khăn do thiếu linh kiện nhập khẩu, thiếu chip, thiết bị… Nhiều dòng xe, mẫu xe khách hàng vẫn phải chờ hàng tháng để nhận xe. Thiếu cung, dư cầu thị trường xe nhiều nơi xáo trộn, rơi vào cảnh bán chênh cao hơn so với giá niêm yết.

(Theo: http://vietnambiz.vn/gia-han-thue-tieu-thu-dac-biet-gia-ban-xe-o-to-co-giam-202261210582244.htm)
Cùng chuyên mục

Sản Phẩm Chủ Lực Từ Nhà Máy Sữa Nature Made: Chất Lượng và Dinh Dưỡng Vượt Trội

Dali Group – Nâng Tầm Hiệu Quả Tiếp Thị Số Cho Doanh Nghiệp

Samsung củng cố vị trí số 1 thị trường TV toàn cầu và Việt Nam bằng công nghệ AI

Nature Made Vinh Dự Nhận Giải Thưởng Top 10 Thương Hiệu Nổi Tiếng Quốc Gia Năm 2024

Quỹ VEIL tiếp tục giải ngân trở lại hơn 900 tỷ đồng, DGC thế chân VIC trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất

Gỗ An Cường (ACG): 4 tháng lãi ròng 168 tỷ đồng, góp vốn vào Thắng Lợi Group có thể mang lại trăm tỷ lợi nhuận ròng mỗi năm

'Giảm dần thời gian đóng BHXH, có thể xuống còn 10 năm'

Samsung giảm sản xuất smartphone tại Việt Nam

Nhà Khang Điền (KDH) bảo lãnh cho công ty con vay tối đa gần 4.620 tỷ đồng

Tim Cook hối thúc Mỹ ra luật về quyền riêng tư càng sớm càng tốt: Liệu Facebook, Google có 'hết cửa' làm ăn?