Sở hữu quần thể nhà gỗ cổ truyền lớn nhất Tây Nguyên, anh Đại khiến nhiều người tò mò về “cái duyên” giữa anh và gỗ.
Tuổi thơ gắn liền với gỗ
Con đường đến với việc sưu tầm gỗ của anh Đại xuất phát từ sự gắn bó và niềm đam mê khám phá từng ngóc ngách trong ngôi nhà gỗ truyền thống của ông nội. May mắn sinh ra trong một gia đình thuộc hạng khá giả ở làng, ngay từ những ngày thơ bé, anh đã được sống và lớn lên trong ngôi nhà gỗ cổ có kết cấu bao gồm: 5 gian nhà gỗ lim và 4 gian nhà ngang, nhà phụ.
Anh Đại bên nhà gỗ cổ
Suốt nhiều năm, hình dáng của ngôi nhà gỗ truyền thống vẫn luôn in đậm trong ký ức của anh. Từng cái bậu cửa, bức thuận gỗ ngăn gian buồng cho tới bộ bàn ghế gỗ được chạm khắc tinh tế hay các cánh cửa lớn nhỏ trong nhà,... tất cả đều chứa đựng những tâm tư, tình cảm được ông nội gửi gắm. Đồng thời, đây cũng là tâm huyết của ông nội anh trong việc gìn giữ kiến trúc cổ Việt Nam.
Không riêng gì nhà anh mà ở làng, nhà ai cũng phải có 3 gian nhà gỗ dù to hay nhỏ. Đi đâu cũng gặp gỗ, nhìn đâu cũng thấy gỗ, cứ thế, giá trị cùng vẻ đẹp của gỗ và kiến trúc gỗ thấm nhuần và trở thành niềm đam mê trong anh. Anh Đại chia sẻ, việc được sống trong không gian gỗ suốt những năm tháng ấu thơ chính là “cái mỉm cười ưu ái của số phận” dành cho mình.
Sớm tiếp xúc với gỗ cộng thêm lòng say mê tìm hiểu, từ nhỏ, anh Đại đã có thể nhận biết và “thuộc làu” tên của nhiều loại gỗ như: lim, dỗi, hương, cẩm lai, sao xanh,… Không chỉ vậy, anh còn có thể phân biệt các loại gỗ thông qua vân gỗ, màu sắc và chất gỗ. Anh Đại cho hay, chính những đặc điểm ấy sẽ giúp người chơi gỗ phân chia từng thân gỗ vào các nhóm phù hợp, ví dụ: gỗ quý nhóm I có vân thớ, màu sắc đẹp, hương thơm, độ bền cao và giá trị kinh tế cao, còn những thân gỗ thuộc nhóm II sẽ nặng, cứng, có tỷ trọng lớn và sức chịu lực cao…
Gỗ gắn liền và tha thiết hấp dẫn anh từ thuở thơ bé tới khi trưởng thành. Dần dà, anh trở nên am hiểu tường tận về gỗ và chính cái hồn của gỗ thấm vào anh, dung dưỡng anh có cái chất mộc mạc, tính tình trầm tĩnh, cốt cách sang trọng như chính con người anh hiện tại.
Gỗ là đam mê cả đời
Luôn ấp ủ về dự định có cho riêng mình một căn nhà gỗ truyền thống, anh Đại đã chuẩn bị kỹ lưỡng để từng bước biến giấc mơ thành sự thật. Để có thể sở hữu những cây gỗ tốt, anh đã đi tìm kiếm khắp trong Nam ngoài Bắc suốt nhiều năm. Cứ nghe ở đâu có gỗ quý là anh tìm đến tận nơi, chỉ cần gặp được những món hàng chất lượng thì chi bao nhiêu anh cũng chẳng tiếc. Với nhiều người, gỗ chỉ là thứ đồ vật vô tri vô giác, không còn sự sống, nhưng với anh Đại, mỗi thân gỗ lại là báu vật chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa hoặc là thứ gắn liền với một giai thoại, nhân vật nào đó.
Bộ sưu tập Nhà Gỗ anh Đại sở hữu
Sau khi có được gỗ quý, anh tiếp tục tìm hiểu và lặn lội tới khắp các khu có nhà gỗ đẹp để được chiêm ngưỡng và học hỏi thêm về lối kiến trúc gỗ truyền thống. Các làng nghề có truyền thống làm gỗ lâu đời như: làng nghề làm nhà gỗ cổ truyền Chàng Sơn (Hà Nội), làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên (Nam Định), làng nghề mộc Đạt Tài (Thanh Hóa),… đều là những nơi anh Đại từng đặt chân tới để giao lưu, trao đổi và học hỏi. Bởi vậy, kiến trúc nhà gỗ qua các thời kỳ, vùng miền, anh đều am hiểu sâu sắc. Càng tìm hiểu, anh lại càng mê mẩn vẻ đẹp và giá trị của gỗ. Rong ruổi theo gỗ gần nửa đời người, anh Đại khẳng định: từ quá khứ đến hiện tại hay tương lai, gỗ chính là đam mê lớn nhất của anh.
Khi đã có đủ những thứ cần thiết, anh Đại bắt đầu tạo lên căn nhà gỗ của riêng mình. Trải qua một thời gian dài lên ý tưởng, thiết kế và thi công, cuối cùng, căn nhà gỗ lim to lớn với nội thất làm bằng gỗ 100% đã được hoàn thành. Ngắm nhìn căn nhà gỗ lớn đã ngốn bao thời gian và công sức của mình, anh vui mừng khôn xiết. Anh vui và hạnh phúc vì ước mơ của mình đã thành hiện thực, nhưng rồi anh nhận ra, thế là chưa đủ.
Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
Khi việc sưu tầm vượt khỏi thú chơi, anh quyết định đầu tư và xây dựng một khu nghỉ dưỡng có không gian gỗ cổ xưa để góp phần liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
Khu du lịch Ngoạ Long Sơn Pleiku nhìn từ trên cao
Cứ thế, khu du lịch Ngọa Long Sơn Pleiku được “khai sinh” từ tâm huyết, hoài bão phục dựng và gìn giữ kiến trúc - văn hóa truyền thống của anh Đại.
Ngọa Long Sơn nằm bên ngọn núi Hàm Rồng huyền ảo, thơ mộng, cách trung tâm thành phố Pleiku 10km về phía nam. Khu nghỉ dưỡng này được anh Đại lên ý tưởng thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc thuần việt, giao thoa giữa xưa và nay, mô phỏng kiến trúc nhà gỗ sân vườn ba miền Bắc Trung Nam. Tại đây, công trình nổi bật và đặc trưng nhất trong việc thể hiện hồn cốt và tinh hoa kiến trúc gỗ Việt chính là quần thể nhà gỗ rộng gần 4hecta. Đây được xem là quần thể nhà gỗ lớn nhất Tây Nguyên.
Trong khuôn viên Ngọa Long Sơn, hàng chục căn nhà gỗ nằm dưới tán rừng cây cổ thụ, dựa vào nhau tôn nên vẻ cổ kính, uy nghiêm như chốn Long Phượng dừng chân thưởng ngoạn. Đặc biệt, hệ thống nhà gỗ truyền thống này được xây dựng bằng những thân gỗ có tuổi đời nghìn năm đã hóa nu, hóa đá như: trắc, giáng hương, cẩm lai, sao xanh,… Toàn bộ nội thất trong các căn nhà cũng được chế tác từ những khối gỗ quý hiếm nằm trong “gia tài” gỗ được anh Đại sưu tầm. Các khối gỗ chất lượng trải qua sự đẽo gọt, chạm khắc tỉ mỉ của những nghệ nhân lành nghề đã đem đến vẻ sang trọng, quý phái nhưng vẫn không đánh mất đi sự giản dị, mộc mạc cho hệ thống nhà gỗ tại đây. Có thể nói, quần thể nhà gỗ tại Ngọa Long Sơn chính là nơi tái sinh những thân gỗ cổ - những thứ có thể đã tồn tại lâu hơn cả một kiếp người, đã chứng kiến bao biến động của lịch sử, dân tộc Việt Nam.
Để có được những căn nhà gỗ đẹp, độc đáo, vừa lưu giữ tinh hoa kiến trúc cổ Việt Nam vừa phù hợp với thị hiếu thời đại, anh đã trải qua không ít những đêm suy tư, trằn trọc. Bố cục hài hòa cùng vẻ đẹp độc đáo của hàng chục căn nhà gỗ, tác phẩm gỗ lũa ở Ngọa Long Sơn đã thể hiện rõ tâm huyết, hiểu biết của anh Đại với gỗ và kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Sau 5 năm kiên trì sưu tầm và phục dựng, anh hy vọng, Ngọa Long Sơn sẽ trở thành địa điểm du lịch lý tưởng dành cho những người yêu thích không gian cổ xưa, mong muốn tìm về “một thời đã xa” thông qua những ngôi nhà gỗ truyền thống mang đậm bản sắc và giá trị lịch sử dân tộc Việt Nam.
Gỗ lũa trong Ngoạ Long Sơn Pkeiku
Nhà gỗ cổ truyền là một phần quan trọng trong di sản kiến trúc và văn hóa truyền thống của người Việt. Đây không chỉ là nét đẹp đặc trưng của văn hóa bản địa mà còn giúp quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, nhà gỗ cổ truyền nói riêng và các ngành nghề truyền thống nói chung đang ngày càng bị mai một do các biến động về kinh tế, xã hội. Là một người có tình yêu mãnh liệt với kiến trúc gỗ cổ truyền, anh Đại hiểu rằng, việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là điều vô cùng cần thiết.
Cũng giống như thế hệ nghệ nhân đi trước, với kinh nghiệm và sự say mê vô hạn, anh Đại sẽ là cầu nối đưa dòng chảy kiến trúc gỗ truyền thống vào cuộc sống hiện đại. Mọi người đã từng sống và làm việc cạnh anh dành cho anh một tên gọi tôn trọng là Đại Tiên Sinh . Quả không ngoa khi nói rằng anh Đại là người đi tìm hồn của gỗ.